Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong ít nhất 10 ngày tới, miền Bắc tăng nhiệt, trời tiếp tục mưa phùn, nhiều nơi có sương mù vào sáng sớm, độ ẩm không khí tăng cao. Có ngày trời mưa phùn, độ ẩm không khí duy trì trên 95%, có thời điểm đạt đến 97%.
Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém, do đó dễ nhiễm bệnh hơn khi gặp thời tiết nồm ẩm, đặc biệt là viêm họng.
Thời tiết nồm ẩm là điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh…
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở phía trong cổ họng, khiến cho họng bị đau, đỏ hoặc sưng một cách nhanh chóng. Viêm họng ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Với virus thường do Rhinovirus, ngoài ra còn có virus cúm, á cúm, hoặc Adenovirus.
Với vi khuẩn, thường gặp là vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae.
Viêm họng ở trẻ không phải là bệnh nguy hiểm. Thông thường nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ ổn định sau khoảng 1 tuần. Nhưng trong trường hợp không được điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhi có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản và viêm xoang.
Ngoài ra, viêm họng cấp do virus có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm do vi khuẩn liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A gây ra. Những trường hợp này nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm khớp cấp, viêm cầu thận hay viêm màng trong tim cấp gây hẹp van tim,…
2. Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị viêm họng khi thời tiết nồm ẩm bao gồm:
Đau rát cổ họng. Khó nuốt, nuốt thức ăn, đồ uống hoặc thậm chí nuốt nước bọt thấy đau, vướng. Khàn giọng. Trẻ có thể bị sốt, gây cảm giác ớn lạnh. Toàn thân đau nhức, mệt mỏi. Amidan sưng to, đỏ. Đau đầu, đau tai. Ăn vào sẽ nôn ói.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chưa thể nói được, trẻ có thể biểu hiện như:
Quấy khóc.Biếng ăn, gặp khó khăn trong việc ăn uống, không chịu nuốt thức ăn vì niêm mạc họng của trẻ bị sưng , gây cản trở và đau khi nuốt. Ho nhiều, khó thở, thở gấp, ngủ có tiếng ngáy. Sốt.Chảy nước bọt bất thường.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ đến khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ bị viêm họng có amidan sưng to, đỏ…
3. Các biện pháp điều trị
3.1. Biện pháp không dùng thuốc
– Cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng, chọn những loại thức ăn mềm, dễ ăn và dễ tiêu hóa;
– Cho bé uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả và dung dịch oresol;
– Nên chia nhỏ bữa ăn và lượng thức ăn cũng không nên quá nhiều vì khi đang ốm trẻ sẽ không thể ăn nhiều như bình thường;
– Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa axit, đồ ăn cay chua, đồ ngọt, đồ ăn có chứa nhiều mỡ như nước sốt cà chua, ớt, hạt tiêu, khoai tây chiên… Những loại thực phẩm này có thể khiến cổ họng thêm khô rát, sưng, dịch tiết ra nhiều hơn… làm những tổn thương ở cổ họng nghiêm trọng hơn và các triệu chứng của bệnh không được cải thiện.
– Lau người cho trẻ bằng khăn ấm, chú ý vùng cổ, bẹn, nách khi trẻ sốt.
– Cho trẻ vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối ấm để bảo vệ cổ họng, đường hô hấp của trẻ
– Không tắm trẻ ngay khi trẻ vừa đổ nhiều mồ hôi, dùng nước ấm tắm trẻ và thường xuyên rửa tay trẻ với xà phòng.
Khị trẻ bị viêm họng, nên cho bé uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả và dung dịch oresol.
3.2 Các biện pháp cổ truyền giúp giảm viêm họng
Có thể dùng một số biện pháp cổ truyền để giảm viêm họng cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm:
– Chữa viêm họng cho trẻ bằng quất hấp mật ong: Dùng khoảng 10 quả quất chín vừa, rửa sạch, cắt đôi, bỏ hạt, sau đó chưng cách thủy với một chút mật ong. Khi nguội, cho bé uống 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần từ 2 – 3 thìa cà phê. Lưu ý, tránh dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
– Chữa viêm họng cho trẻ bằng lá hẹ hấp đường phèn: Dùng lá hẹ và đường phèn hấp cách thủy, chắt lấy nước uống 2 – 3 lần/ ngày. Phương pháp trị viêm họng này an toàn và hiệu quả đối với trẻ dưới 1 tuổi.
– Chữa viêm họng cho trẻ bằng trà gừng: Gừng cạo sạch vỏ, băm nhỏ, đun sôi cùng nước. Dùng phần nước trà gừng còn ấm cho bé uống hàng ngày. Bố mẹ có thể pha thêm mật ong cho dễ uống.
Có thể cho trẻ uống quất hấp với mật ong để giảm viêm họng.
3.3 Các loại thuốc trị viêm họng
– Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen (paracetamol) hoặc thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen. Các thuốc này được dùng mỗi 4 đến 6 giờ khi cần thiết nhưng không được dùng quá 5 lần trong 24 giờ.
Lưu ý, acetaminophen không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi mà chưa có ý kiến của bác sĩ. Ibuprofen có thể dùng mỗi 6 giờ. Ibuprofen không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em <18 tuổi do nguy cơ diễn tiến bệnh nặng như Hội chứng Reye.
– Thuốc kháng sinh, như penicillin, amoxicillin. Trẻ bị dị ứng với penicillin sẽ được dùng kháng sinh thay thế. Thuốc kháng sinh thường được dùng ở dạng thuốc viên (đối với trẻ lớn) hoặc dạng lỏng, bột pha hỗn dịch (đối với trẻ nhỏ). Đau họng do nhiễm virus thường kéo dài từ 4 đến 5 ngày. Trong thời gian này, phương pháp điều trị giảm đau có thể có ích nhưng sẽ không giúp loại bỏ virus.
Thuốc kháng sinh không giúp cải thiện tình trạng đau họng do virus gây ra và không được khuyến khích. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chọn lựa loại thuốc phù hợp cho trẻ. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, lưu ý không dùng lại đơn thuốc đã sử dụng từ lần điều trị trước đó, không tự ý nhỏ các loại thuốc co mạch kéo dài cho trẻ. Dùng thuốc sai cách có thể gây ra những hậu quả khó lường, làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và tác động xấu đến chức năng gan thận của trẻ.
– Viên ngậm: Nhiều loại thuốc ngậm cổ họng giảm khô họng hoặc đau họng. Tuy nhiên, không khuyên dùng viên ngậm họng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, vì trẻ có thể bị sặc hoặc nghẹn. Trẻ trên 5 tuổi khi ngậm kẹo ít nguy cơ mắc nghẹn hơn.
– Thuốc xịt chứa thuốc gây tê tại chỗ có thể điều trị đau họng: Tuy nhiên, thuốc xịt không hiệu quả hơn việc ngậm kẹo cứng. Ngoài ra, thành phần gây tê phổ biến là benzocain có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Không khuyến khích dùng thuốc xịt họng cho trẻ em.
Dùng thuốc sai cách có thể gây ra những hậu quả khó lường, có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ và tác động xấu đến chức năng gan thận của trẻ.
4. Phòng ngừa viêm họng khi trời nồm ẩm thế nào?
Để trẻ tránh mắc viêm họng trong thời tiết nồm ẩm, cần lưu ý:
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, khô thoáng.
– Loại bỏ những đồ dùng bị ẩm mốc.
– Đóng cửa phòng và bật máy hút ẩm hoặc điều hòa chế độ khô. Không nên bật quạt vì sẽ khiến không khí trong nhà ẩm ướt hơn.
– Giữ quần áo, chăn ga, gối, rèm khô, sạch sẽ.
– Khi đun nấu, tắm rửa… nên bật quạt thông gió.
5. Lời khuyên của bác sĩ
– Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc bừa bãi sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và làm suy giảm chức năng gan thận của trẻ.
– Vệ sinh họng, miệng cho trẻ sạch sẽ, nhắc nhở trẻ đánh răng đều đặn mỗi ngày, sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
– Nhắc nhở trẻ tránh những thói quen xấu như cho tay lên miệng hoặc thường xuyên ngoáy mũi.
– Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0. 9%, cần làm đúng cách.
– Giữ vệ sinh không gian sống và nơi vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ.
– Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, đặc biệt đối với những trẻ đã bị tái nhiễm bệnh nhiều lần.
– Dù bất cứ mùa nào cũng nên lau khô trước khi mặc quần áo cho trẻ.
– Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với những trường hợp bị bệnh.