Hàng còng cổ thụ dẫn lối vào chùa.
Chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (tên gọi khác là Krăng Krốch; tọa lạc xã Châu Lăng, Tri Tôn) là ngôi chùa Nam tông duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong khuôn viên chùa. Đặc trưng này khiến mọi người gần như quên tên thật của chùa, mà chỉ gọi tên gần gũi là “Chùa hàng còng”.
Trước đây, ngôi chánh điện chùa Krăng Krốch được sơn màu vàng.
Hiện nay, chánh điện chùa Krăng Krốch được sơn lại màu hồng rực rỡ.
Trong tiếng Khmer, tên chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram có nghĩa là “ngôi chùa ở giữa núi”). Còn Krăng Krốch thì Krăng là “gò cao” và Krốch là “bưởi rừng”.
Quang cảnh ngôi chánh điện “Chùa hàng còng” đẹp ở mọi góc nhìn.
Vào năm 1608, chùa Krăng Krốch được xây dựng ở trên một gò cao, đầy bưởi rừng, núi vây quanh. Khi ấy, để vào chùa, mọi người phải đi tắt ngang qua ruộng lúa của dân, rất vất vả. Cho đến năm 1965, sư cả trụ trù chùa lúc ấy là hòa thượng Khunh Sa Ríth đã vận động phật tử hiến đất ruộng để nhà chùa làm đường đi. Khi con đường hoàn thành, hòa thượng đã cho trồng rất nhiều cây còng để tạo cảnh quan.
Đường hàng còng cũng là đường dân sinh của người dân Khmer quanh đây.
Người trong chùa phải chặt bỏ đi những cây còng cổ thụ bị mục để lấy chỗ trồng những cây còng mới.
Hiện nay, trong chùa Krăng Krốch có khoảng 70 còng cổ thụ. Mỗi mùa thay lá, thân còng hiện rõ vẻ xác xơ, già cỗi và mang vẻ đẹp lạ thường.
Người dân đi lại trong khuôn viên chùa.
Điểm nhấn nơi đây là hàng còng cổ thụ và khu chánh điện màu hồng rực rỡ.
Còng là loài cây quen thuộc còn được gọi là me tây, muồng tím, muồng ngủ… Tại các quốc gia khác, cây được biết đến với các tên gọi: Saman, Rain tree, Monkey pod, Filinganga,…
Chiếc cổng ở lối đi sau chùa đã “nặng trĩu” màu thời gian.
Chùa Krăng Krốch được xây dựng từ khá lâu bằng kỹ thuật xây dựng của người Kinh. Qua hàng trăm năm, ngôi chùa đã xuống cấp và đang được xây dựng lại khang trang hơn.