Tết Đoan Ngọ, hay còn được gọi là Tết diệt sâu bọ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 3.6 dương lịch (5.5 âm lịch).
Vào ngày nay, người dân thường làm mâm cúng cầu mùa màng bội thu, đồng thời diệt sâu bọ có hại cho cơ thể.
Có một số lưu ý được truyền miệng trong dân gian khi cúng Tết Đoan Ngọ như sau:
Thời gian cúng
Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h). Do đó, thời gian đẹp nhất để làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ là từ 11 giờ đến 13 giờ chiều.
Một số điều nên kiêng kỵ
Theo quan niệm dân gian, người dân thường kiêng vứt giày dép lộn xộn để tránh chiêu dụ tà khí, nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.
Ở một số vùng miền, người lớn sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc.
Nhiều người còn cho rằng nên tránh để rơi tiền trong ngày Tết Đoan ngọ vì khi đó bạn đã đánh rơi tài lộc, khiến vận may đi xuống.
Nếu ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, nên tránh chọn phòng đầu tiên và cuối cùng của hành lang. Hai vị trí này hút năng lượng tiêu cực, dễ khiến cơ thể nhiễm bệnh.
Một số phong tục lấy may
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, với mong muốn xua đuổi vận xui, nhiều người sẽ tắm bằng nước đun lá thiên nhiên như lá tía tô, bồ kết, lá sả,… Hương thơm từ các loại lá thiên nhiên cũng mang lại cảm giác thoải mái, phấn chấn, thanh lọc cơ thể.
Sau khi ngủ dậy, người lớn nên uống một ít rượu hoặc ăn cơm nếp rượu. Theo dân gian, đó là cách khiến sâu bọ say, sau đó diệt sâu bọ bằng thức ăn như mận, vải, bánh tro,…
Chuẩn bị đồ cúng
Lễ cúng và các đồ cúng trong tết Đoan Ngọ khá đơn giản, chỉ cần hoa quả, chè xôi, rượu nếp…
Lễ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có khác biệt theo vùng miền. Người miền Bắc sẽ chuẩn bị thêm hương hoa, vàng mã, rượu nếp trắng, bánh tro (gio), xôi chè.
Còn với người miền Trung sẽ cúng thêm thịt vịt. Người miền Nam sẽ chuẩn bị thêm vài loại bánh như bánh ú, bánh trôi nước…