8 doanh nghiệp Việt Nam với tham vọng bán lẻ nông sản trên thị trường châu Âu đã tham gia hội chợ.
Chủ đề của hội chợ tại Amsterdam là tác động vào tâm lý khách hàng thông qua bao bì nhãn mác. Người tiêu dùng châu Âu có một vài bận tâm khác biệt so với người tiêu dùng châu Á.
“Về bao bì thì hầu như nhựa không còn được ưa thích nữa, mà phải là bằng bìa giấy, hoặc bằng thủy tinh”, ông Sven Dekker, chuyên gia Hà Lan, cho biết.
Nghiên cứu thói quen tiêu dùng cho thấy đa số người châu Âu chỉ quyết định mua một sản phẩm cụ thể khi đã đứng trước kệ hàng. Trước khi vào siêu thị, người tiêu dùng châu Âu đã nghĩ là phải mua một lọ hạt tiêu, nhưng hạt tiêu nhãn hiệu gì, chỉ khi nhìn thấy cả dãy lọ mới quyết. Sản phẩm hợp nhãn là một lợi thế. Khi người tiêu dùng đã nhìn tới, đã cầm sản phẩm lên xem, hầu như sẽ mua.
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại hội chợ một số sản phẩm hoàn chỉnh của Việt Nam cho người tiêu dùng cuối, đã chế biến, đã đóng gói, nêu rõ xuất xứ từ Việt Nam…
“Với tâm lý của châu Âu, người ta dùng bao bì rất đơn giản. Người ta không cầu kỳ về màu sắc, không lòe loẹt. Cái quan trọng nhất là nhìn bao bì đó phải sạch, tức là màu sắc đừng quá lòe loẹt, càng ít càng tốt, nhưng nó đầy đủ thông tin”, ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch Tập đoàn Hanfimex, chia sẻ.
Trên nhãn hàng thực phẩm tại châu Âu, ngoài mô tả sản phẩm “hữu cơ thiên nhiên”, “nghèo calo”, “không thêm phụ gia”, “không chất bảo quản”, còn hay nhấn mạnh tới trách nhiệm môi trường và trách nhiệm xã hội.
“Ngoài sản phẩm chất lượng ra, người châu Âu cần nguồn gốc xuất xứ của nó. Đặc biệt khi người ta mua một cái sản phẩm mà nó có tác động tới xã hội, tác động tới người nông dân, thì người ta sẵn sàng bỏ tiền ra người ta mua”, ông Tạ Quốc Sự, Chủ tịch Công ty Viet Pepper, cho hay.
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại hội chợ một số sản phẩm hoàn chỉnh của Việt Nam cho người tiêu dùng cuối, đã chế biến, đã đóng gói, nêu rõ xuất xứ từ Việt Nam, nhưng phần nhãn hàng bỏ trống, mời đối tác phân phối tại châu Âu gắn nhãn hiệu riêng.
“Con đường từ dạng thô đến sản phẩm cuối cùng để đưa vào các siêu thị là cả một quá trình rất dài và cần đầu tư bài bản. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi chế biến và cũng đã tìm, gia công cho những cái nhãn hàng lớn ở châu Âu để họ đưa vào những cái siêu thị bán lẻ. Đây là bước đầu tiên hướng đến sau này sẽ có những nhãn hiệu Việt Nam, mang nhãn hiệu của Việt Nam ta vào các siêu thị bán lẻ ở châu Âu”, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, nói.
Tham gia Hội chợ Nhãn hàng Amsterdam cũng là dịp để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu xu hướng nhãn hàng trên thị trường châu Âu lúc này. Khoảng 2.500 doanh nghiệp từ 70 quốc gia tham gia Hội chợ Nhãn hàng năm nay.