Được coi là “thủ phủ” hàng thời trang cũ của Hà Nội, chợ Đông Tác (Kim Liên, Đống Đa) từ nhiều năm nay đã thu hút sự quan tâm, mua sắm của nhiều tín đồ “hàng si” ghé qua mua sắm.
Chợ hình thành từ những năm cuối thập niên 1980 nhưng đến giờ vẫn trở thành điểm đến của đông đảo người dân Hà Nội.
Không chỉ bởi có giá thành rẻ, mẫu mã độc đáo mà chất liệu hàng thời trang ở đây rất bền, đẹp, thậm chí có thể tìm được những món đồ “độc nhất vô nhị”, không bị đụng hàng ai nên khu chợ này lúc nào cũng đông đúc người qua lại.
Bãi gửi xe máy chật kín xe với giá 10 nghìn đồng/chiếc ngày thường, 20 nghìn đồng/chiếc ngày cuối tuần.
Nhanh tay nhặt từng chiếc áo lên xem kiểu dáng, kích cỡ để mua cho cháu, bà Nguyễn Thị Lan, trú tại Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mình thường xuyên đến chợ hàng thùng Đông Tác mua quần áo, giày dép cho cả gia đình từ hàng chục năm nay.
Ngay cổng chợ, hàng quần áo trẻ em được nhiều người quan tâm nhất với giá “siêu rẻ”.
“Đây này, quần áo trẻ em có 10 nghìn đồng/chiếc mà chất mát cực kỳ, kiểu dáng độc, lạ, hàng mới thua xa. Ngay cả áo phông có cổ cho chồng và con trai tôi cũng chỉ 40-50 nghìn đồng/chiếc. Mang vài trăm nghìn đi ra cửa hàng đồ mới chỉ mua được 1 món nhưng ra đây chọn được hàng chục món, tha hồ mặc”, bà Lan nói.
Quần áo trẻ em đổ thành đống lớn, bán với giá 10 nghìn đồng/chiếc.
Theo bà Lan, để chọn được sản phẩm ưng ý, khi đi chợ hàng thùng phải kiên trì, chọn thời điểm các gian hàng mở kiện mới, đổ thành đống hàng nghìn chiếc nên người mua cần nhanh tay, nhanh mắt chọn xem chiếc nào đẹp, vừa vặn với mình mà không có lỗi.
Hàng quần áo tắm với giá từ 80-150 nghìn đồng/bộ.
“Cũ người mới ta, từ quần áo trẻ con, người lớn, nam, nữ, mùa đông, mùa hè, giày dép, túi xách không thiếu thứ gì nên rảnh là tôi rủ mấy chị em hàng xóm đi chọn. Nhiều thì được 20-30 chiếc, ít cũng phải mang về chục chiếc. Mặc chán thì bỏ, không tiếc như đồ mới”, bà Lan bộc bạch.
Áo sơ mi nam nữ chỉ từ 100 nghìn đồng/3 chiếc.
Tự nhận mình là người “nghiện” thời trang hàng thùng, chị Đào Thị Mến, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên đến chợ Đông Tác để mua đồ cũ từ hồi sinh viên. Đến giờ, trên người chị, từ giày, quần áo, túi xách đều là hàng secondhand.
Quần sóoc bò có giá 50 nghìn đồng/chiếc.
“Đôi giày da tôi mua có 120 nghìn mà đi vài năm không hỏng. Quần áo chất lượng cũng rất tốt, chỉ 80 nghìn đồng là mua được một chiếc váy hè, thậm chí là áo khoác mùa đông. Chịu khó tìm còn mua được áo lông vũ hay áo dạ chỉ từ 50 nghìn đồng/chiếc. Mua về, mang ra hiệu giặt là mất từ 50-80 nghìn đồng nữa thì như mới luôn”, chị Mến nói.
Áo phông đủ màu sắc, kích cỡ chỉ 25 nghìn đồng/chiếc.
Thuê ki-ot mở cửa hàng bán quần áo hàng thùng tại chợ Đông Tác, bà Lân cho biết, quần áo SIDA được bày bán ở thị trường Việt Nam từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990.
Với các gian hàng Si tuyển chọn đã được giặt là cẩn thận sẽ có giá từ 80-150 nghìn đồng/sản phẩm.
“Tên SIDA là tên viết tắt của tổ chức SIDA của Thuỵ Điển (Swedish Internationnal Development Coopertion Agency) khi họ quyên góp quần áo cũ của người dân, giặt sạch sẽ rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam làm từ thiện nên gọi là hàng Si, đồ Sida, hàng thùng…
Bà Lân – tiểu thương có 18 năm bán hàng Si tại chợ Đông Tác đang cẩn thận cắt chỉ thừa ở chiếc quần hàng hiệu cũ.
Những năm sau đó, tổ chức SIDA không còn gửi về Việt Nam nhưng hàng SIDA được các mối nhập từ Campuchia về, bày bán tại vỉa hè hay những cửa hàng nhỏ. Dần dần tập trung thành chợ đồ cũ”, bà Lân nói.
Ki-ốt bán giầy dép có giá cao nhất trong các sản phẩm hàng Si tại chợ Đông Tác với giá từ 100-300 nghìn đồng/đôi.
Theo bà Lân, bà bắt đầu buôn bán đồ Si từ năm đứa cháu đầu tiên của bà vừa mới sinh, đến giờ cháu đã vào Đại học. Trước đây còn khoẻ, bà sang tận Campuchia để lấy hàng, vừa bán lẻ vừa bán sỉ cho các mối. Tuy nhiên, hiện tại có tuổi nên bà phải nhờ phiên dịch nhặt từng con mang về Việt Nam bán.
Với đa dạng chủng loại, màu sắc, giá lại “siêu rẻ”, khu chợ này thu hút khá đông khách hàng đủ lứa tuổi.
“Quần áo ở đây chủ yếu là hàng Hàn, Nhật, Mỹ, tuy là cũ nhưng nhiều người thích nên ngày tôi cũng bán được 3-4 triệu đồng tiền hàng. Tuy nhiên, lãi không mấy đâu vì “con ăn con ngủ”, còn đầy chiếc treo ở kia kìa”, bà Lân dí dỏm nói.
Khu chợ này vào ngày thường thì hơi vắng vẻ nhưng đông nhất vào cuối tuần nên các gian hàng thường “bật kiện” mới vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần.