1. Các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tăng huyết áp
Do di truyền: Bố mẹ hoặc người thân của bạn bị tăng huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ mắc tăng huyết áp.
Người cao tuổi: Tăng nguy cơ bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch khi tuổi cao. Căn nguyên là do khi về già mạch máu sẽ giảm độ dẻo dai dẫn tới tăng huyết áp lên hệ tim mạch.
Giới tính: Ở độ tuổi dưới 45 tuổi, nam giới dễ bị tăng huyết áp hơn nữ giới. Còn trong độ tuổi từ 45-60, nguy cơ tăng huyết áp là như nhau với cả hai giới. Trên 64 tuổi, phụ nữ lại có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn nhiều so với nam giới.
Ít vận động: Ngồi nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Vì vậy, để chống tăng huyết áp và phòng ngừa các bệnh tim mạch thì bạn nên luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn hàng ngày, đây là cách tự nhiên giúp giảm huyết áp hiệu quả.
Ăn mặn: Ăn quá mặn, muối giữ quá nhiều nước trong cơ thể có thể làm gia tăng gánh nặng cho tim, tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
Thừa cân hoặc béo phì: Rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch gây tăng huyết áp. Do đó duy trì cân nặng, ngừa thừa cân béo phì có thể giúp giảm huyết áp.
Uống rượu: Uống rượu quá mức, tim mạch bị kích thích tăng nhịp và tăng huyết áp, có thể gây tăng huyết áp đột ngột, dẫn tới suy tim, đột quỵ và loạn nhịp tim.
2.Công dụng của trứng gà trong phòng chữa bệnh
Y học cổ truyền cho rằng, trứng gà là kỳ tích thiên nhiên, có giá trị dược dụng đối với cơ thể. Lòng trắng trứng có vị cam (ngọt), tính hơi hàn (mát), chất trong sạch, khí nhẹ (thanh), có tác dụng làm mát nhuận giáng xuống (thanh nhuận túc giáng), có thể dùng dưỡng âm nhuận phế, thanh nhiệt giải độc.
Lòng đỏ trứng có vị cam (ngọt), tính hơi ôn (ấm), chất nhuận khí đục, có thể dùng để bổ dưỡng âm huyết, làm mượt mà hình thể, ích tinh tủy, bổ khí, bổ tì vị, định kinh an thần.
Hợp cả lòng trắng, lòng đỏ lại thì trứng có vị ngọt, tính bình, hàn ôn điều hòa, thăng giáng nhịp nhàng, giúp điều hòa âm dương, điều chỉnh khí cơ, làm khí huyết hóa. Ngoài ra, vỏ trứng và màng trong vỏ trứng cũng được dùng làm thuốc.
3. Cách sử dụng trứng gà trị tăng huyết áp
Bài 1: Trứng gà tươi 5 quả, rửa sạch vỏ bằng cồn rồi lau khô, cho vào lọ rộng miệng đã sát trùng, đổ thêm 1000ml giấm thanh, đậy kín nút, để vào chỗ tối, ngâm trong 7 ngày đêm; sau đó loại bỏ vỏ trứng, quấy cho lòng trắng và lòng đỏ hòa tan đều với giấm là có thể dùng được. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 15-20ml.
Công dụng: Chữa tăng huyết áp, giảm mỡ máu, chống xơ vữa động mạch và viêm loét đường tiêu hóa. Giấm có tác dụng tiêu thực, tán ứ, giải độc, sát trùng, cầm máu.
Bài 2: Trứng gà 2 quả, địa long (giun đất) 5 con. Cho giun đất còn sống vào chậu, thêm ít nước, đậy lại để 3 ngày cho giun sạch. Lấy giun làm sạch, giã nát, trộn với trứng gà, thêm một ít bột để có thể nặn thành bánh mỏng, dùng dầu rán bánh để ăn. Cách ngày ăn một lần.
Công dụng: Dùng cho người tăng huyết áp, chóng mặt, nhức đầu do can phong nội động (huyết áp cao khá cao). Địa long là vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp.
Bài 3: Trứng gà 1 quả, ngải diệp (lá ngải) 30g, đậu đen 30g. Luộc cả 3 thứ, đến khi trứng chín là được. Ăn trứng, uống nước đậu – ngải. Dùng ngày 1 lần, mỗi đợt 10 ngày.
Công dụng: Dùng cho người tăng huyết áp có đầu váng mắt hoa (huyết áp cao vừa phải). Đậu đen có tác dụng hạ khí, thanh nhiệt, khu phong, lợi thủy, tiêu nề, hoạt huyết.
Bài 4: Trứng gà 1 quả, vừng 30g; giấm, mật ong mỗi thứ 30ml. Vừng giã nhỏ rồi cho dấm, mật ong, lòng trắng trứng quấy đều, mỗi lần uống 10ml, ngày uống 3 lần (vừng, mật ong có tác dụng nhuận tràng).
Công dụng: Dùng cho người tăng huyết áp, đầu váng mắt hoa, táo bón, đại tiện khó.
Bài 5: Trứng gà 1 quả, lá dâu (tang diệp) 6g. Luộc đến khi trứng chín. Ăn ngày 2 lần sau bữa ăn, mỗi đợt 1 tuần hoặc ăn liên tục vài ngày.
Công dụng: Dùng cho người tăng huyết áp, đau đầu do kinh can uất nhiệt (lá dâu có tác dụng sơ tán phong nhiệt, thanh can minh mục).