Ngày 21/9, Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và báo hiệu có sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Sau khi Fed thông báo tăng lãi suất vào chiều 21/9, hàng loạt NHTW tại các quốc gia khác cũng nâng lãi suất nhằm mục tiêu chống lạm phát hoặc ổn định tỷ giá.
Saudi Arabia và Bahrain cùng thông báo nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản (bps) giống như quyết định của Fed. Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết mức lãi suất mới tăng thêm sẽ có hiệu lực từ ngày 22/9.
Các ngân hàng trung ương tại Indonesia, Thụy Sỹ, Anh và Na Uy cũng tham gia vào làn sóng nâng chi phí vay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) chiều 22/9 thông báo nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng từ 4% lên 5%, lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 5% lên 6%.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đồng ý đẩy lãi suất từ 1,75% lên 2,25%, tương đương thêm 50 bps.
Đồng USD duy trì đà tăng
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở 23.316 VND/USD, tăng 15 đồng so với mức niêm yết hôm qua.
Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 22.550 – 23.700 VND/USD.
Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 23.515 – 23.580 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.825 – 23.960 VND/USD.
Trên thị trường “chợ đen”, đồng USD được giao dịch ở mức 24.060 – 24.130 VND/USD.
Hiện nay, tỷ giá USD của Việt Nam tăng cao nhất trong 2 năm qua.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 8/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,5 điểm; trong nước, USD bình quân trên thị trường tự do ở quanh mức 23.528 VND/USD; chỉ số giá USD bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.