Do đó, nhiều bậc cha mẹ có tâm lý hoang mang và lo lắng. Thậm chí, nhiều người chỉ cần con có dấu hiệu: sốt, ho,… đã tự ý xét nghiệm Adenovirus khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Điều này, dẫn tới tình trạng bệnh viện trở nên đông đúc hơn thường ngày.
Trẻ mắc Adenovirus đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Đã từng đưa con đi khám tại bệnh viện vì nghi ngờ con mắc Adenovirus, chị Linh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của con, nhất là trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Khi bé nhà chị bắt đầu có biểu hiện sốt và nôn, để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, gia đình chị đã đưa con đi kiểm tra tại 2 bệnh viện tư. Và cả 2 bệnh viện này đều đang tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhi khá nhiều.
“Mọi người đều bế con xếp hàng rất đông để được khám và xét nghiệm PCR Adenovirus. Chính vì tình trạng đông đúc như vậy nên khi tôi mang con đến khám, tôi rất lo lắng con có thể bị lây chéo, bội nhiễm vi khuẩn”, chị Linh bày tỏ.
Còn bà Tâm (phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cháu bà có biểu hiện sốt cao, kéo dài khoảng 4 ngày liền, sử dụng thuốc hạ sốt không đáp ứng với thuốc. Sau đó cháu xuất hiện thêm dấu hiệu ho, đau họng, khó thở. Gia đình có được chỉ định đưa cháu đi xét nghiệm máu và làm một số xét nghiệm kiểm tra khác thì nhận được kết quả chẩn đoán mắc Adenovirus kèm bội nhiễm vi khuẩn.
Khi nào nên xét nghiệm Adenovirus?
TS.BS Nguyễn Văn Tùng đang khám cho bệnh nhi
Giải thích về việc nên xét nghiệm Adenovirus khi nào để có kết quả chuẩn xác, TS.BS Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Tâm lý của nhiều bậc cha mẹ là luôn lo lắng và có phần hoang mang với tình hình dịch bệnh. Do đó dẫn đến tình trạng, nhiều người muốn xét nghiệm Adenovirus cho con ngay khi con có triệu chứng sốt, ho,…
Tuy nhiên, chuyên gia y tế không khuyến cáo xét nghiệm Adenovirus hàng loạt khi chưa cần thiết và chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều đó gây lãng phí cả về chi phí lẫn thiết bị, vật tư y tế, kít test..”
Bên cạnh đó, theo TS.BS Nguyễn Văn Tùng, hiện nay cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thực sự hiệu quả với Adenovirus. Các điều trị là điều trị hỗ trợ và chăm sóc điều trị triệu chứng như là bù nước điện giải, cung cấp vitamin, đảm bảo hạ sốt tốt cho trẻ; chăm sóc dinh dưỡng đảm bảo thức ăn loãng, dễ tiêu, giàu vitamin, khôi phục sức đề kháng hô hấp của trẻ.
Chuyên gia hướng dẫn giải pháp ngăn ngừa bội nhiễm sau Adenovirus
Theo các chuyên gia y tế, Adenovirus gây ra tình trạng viêm kết mạc, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm đường hô hấp dưới, thậm chí có biểu hiện của viêm dạ dày ruột. Chính vì vậy, khi nhiễm virus, nếu không được chăm sóc tốt thì trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện rất dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến tình trạng bội nhiễm làm nặng hơn tình trạng bệnh lý do adenovirus gây ra.
Chăm sóc trẻ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Adenovirus có thể gây nên 10% tình trạng viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Trong đó, tỷ lệ tử vong lên tới 8- 10%. Để giảm thiểu làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi ở trẻ do bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, theo các bác sĩ, cần có giải pháp cải thiện sức đề kháng hô hấp kịp thời cho trẻ.
Đề cập tới các biện pháp giúp ngăn ngừa bội nhiễm nói chung, đồng thời giảm nguy cơ viêm phổi do Adenovirus ở trẻ, TS.BS Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Các biện pháp như cải thiện dinh dưỡng, môi trường sống là cần thiết, vì virus, vi khuẩn lây lan rất nhanh trong môi trường chật chội và ô nhiễm. Một điều nữa, chính là tăng cường sức đề kháng hô hấp cho trẻ, có thể sử dụng ly giải vi khuẩn để giúp cho tạo hệ miễn dịch tại chỗ, đặc biệt là đường hô hấp. Điều này cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng bội nhiễm do vi khuẩn gây ra”.
Nâng cao hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của sức đề kháng hô hấp trẻ em được các chuyên gia quan tâm đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Adenovirus và thời tiết giao mùa như hiện nay. Khi trẻ được hỗ trợ điều trị bệnh sớm, tăng cường sức đề kháng hô hấp đúng cách, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.