Trên thực tế, phụ nữ vẫn là người đảm nhận chính các công việc nhà. Trong khi, hiện nay phần lớn phụ nữ không chỉ làm công việc nội trợ mà con gánh vác kinh tế và trách nhiệm xã hội. Sau giờ tan sở, phụ nữ cũng muốn nghỉ ngơi nhưng về tới nhà thì phải bù đầu, bù cổ làm việc nhà. Nhiều người chồng, người cha đang dồn gánh nặng việc nhà lên đôi vai người vợ. Những tưởng khi về hưu sẽ nhàn nhã nhưng ngược lại, nhiều phụ nữ phải làm gấp đôi, gấp ba việc nhà bởi khi ấy có cả việc nhà của gia đình. Giống như chia sẻ của nhiều người, người làm việc nhà nhiều nhất là bà.
“Quan niệm của cả xã hội cho rằng lao động gia đình, chăm sóc các thành viên là trách nhiệm của người phụ nữ, thậm chí người ta còn nghĩ đó là thiên chức của người phụ nữ, gắn với người phụ nữ như số phận của họ, không thể đảo ngược. Quan niệm đó không đúng” – TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết – “Nhưng chúng ta thấy ngay cả quy định của pháp luật cũng chưa thể thay đổi nhận thức này trong suy nghĩ của người dân Việt Nam, kể cả phụ nữ”.
Định kiến giới đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Chuẩn mực cho phụ nữ là phải đảm đang. Ai không khéo việc nhà sẽ phải nghe những lời xì xào. Từ nhỏ, phụ nữ được dạy phải vào bếp và làm việc nhà. Vì thế, các bé gái mặc nhiên cho rằng trách nhiệm của mình là phải vào bếp, khéo việc nhà. Các chuyên gia cho rằng để thay đổi định kiến việc nhà là của riêng phụ nữ một cách bền vững thì mỗi người cần nhận thức rằng việc nhà không của ai cả. Đó là công việc của bất cứ thành viên nào trong gia đình.
Những người đàn ông sẵn sàng chia sẻ với vợ việc nhà không hiếm. Tất lẽ, họ cũng nhận được sự thấu hiểu từ chính nửa kia của mình. Nhưng để từ điều không hiếm trở thành quan điểm phổ biến trong xã hội thì cần quan tâm tới việc định hướng trẻ ngay từ nhỏ, đặc biệt là với trẻ trai về việc sẻ chia.
“Từ trong gia đình hay nhà trường, ngay từ nhỏ các bé trai cũng phải được giáo dục rằng công việc gia đình là của tất cả mọi người, dù là phụ nữ hay nam giới, trai hay gái đều có trách nhiệm đóng góp vào việc chăm sóc những người thân trong gia đình, bởi đó là những người thân yêu của mình. Hoạt động chăm sóc người thân, làm công việc trong nhà sẽ tạo sự gắn bó, sự cảm thông và tạo ra gia đình”, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Đàn ông không vụng về, phụ nữ không phải sinh ra đã giỏi việc nội trợ nhưng nếu có ý thức học hỏi thì cả phụ nữ và đàn ông đều làm tốt. Tháng Hành động vì bình đẳng giới 2022 có chủ đề đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Bình đẳng giới hiện được nhắc tới nhiều hơn. Nhưng bình đẳng giới có thể được bắt đầu từ những thứ nhỏ bé nhất như là san sẻ việc nhà trong gia đình, để người phụ nữ có thêm thời gian, sức mạnh nắm bắt những cơ hội thuộc về họ.