Sao neutron vốn là sản phẩm cuối cùng trong vòng đời của một ngôi sao khổng lồ (khối lượng khoảng 8-30 lần Mặt Trời), khi nó bị cạn năng lượng rồi sụp đổ.
Ngôi sao neutron kỳ lạ vừa được phát hiện – nguồn gốc phát sinh ra tia gamma bùng nổ GRB 180618A được kính thiên văn Trái Đất bắt được vào tháng 6-2018 – lại không thể phù hợp với sự sụp đổ của bất kỳ loại sao nào.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà thiên văn học Nuria Jordana-Mitjans từ Trường ĐH Bath (Anh) và các cộng sự đã tìm ra câu trả lời đầy bất ngờ: Đó là sản phẩm được tạo ra từ vụ va chạm của 2 sao neutron.
“Đứa con lai” này là một vật thể nặng bất thường, từ tính cao hơn nhiều so với mức tối đa mà sao neutron có thể đạt được, tồn tại hợn 1 ngày trước khi sụp đổ thành một lỗ đen. Nó được xếp vào nhóm sao từ – một dạng sao neutron cực mạnh – và cũng là sao từ mạnh nhất từng được ghi nhận.
Theo các lý thuyết trước đây, khi hai sao neutron va chạm, chúng sẽ giải phóng một vụ bùng nổ bức xạ gamma trong thời gian ngắn, mà các nhà khoa học tin rằng chỉ có thể được phát ra trong quá trình hình thành lỗ đen.
Nhưng phát hiện mới chỉ ra vẫn có một bước chuyển tiếp lạ lùng trong cuộc đời của các quái vật vũ trụ này.
Điều này giúp làm sáng tỏ thêm câu đố muôn đời là vì sao các sao neutron hợp nhất có thể biến thành lỗ đen, dù vẫn chưa phải câu trả lời cuối cùng. Có thể các cặp sao neutron đã tiến hóa theo cả hai kịch bản: Hình thành lỗ đen ngay lập tức, hoặc tạo thành một sao neutron siêu nặng rồi mới sụp đổ lần nữa thành lỗ đen.
Nghiên cứu bắt nguồn từ những chi tiết “không ổn” khi các nhà khoa học phân tích tia gamma GRB 180618A, với sự phát xạ quang học biến mất chỉ 35 phút sau cú bùng nổ, chỉ ra thứ gì đó đang giãn nở với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng và được tăng tốc bởi một nguồn năng lượng liên tục.
Các tính chất đó không phù hợp với lỗ đen mà phù hợp với sao neutron, nhưng phải là một sao neutron có từ trường mạnh gấp 1.000 lần các sao neutron thông thường và mạnh hơn Trái Đất 4 triệu tỉ lần.
Quái vật vũ trụ mới mẻ này cũng là một vật thể tồn tại trong quá khứ, từ thuở vũ trụ còn khá non trẻ. Ánh sáng từ nó đã mất tận 10,6 tỉ năm để đến Trái Đất, nên toàn bộ dữ liệu về nó cũng là dạng dữ liệu “xuyên không” từ 10,6 tỉ năm trước.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.