Bộ đồ thờ bằng gốm 18 món này có giá lên tới hơn 400 triệu đồng.
Theo nghệ nhân Vương Thế Cường (Làng nghề Bát Tràng), người trực tiếp tham gia phục dựng dòng men cổ hoàng tộc thì bộ đồ thờ này được làm từ dòng men cổ sắc vàng đậm chất hoa văn thời Lý với biểu tượng rồng cuốn lá đề tại Hoàng Thành Thăng Long, hoạ tiết được đắp nổi, vẽ bằng vàng 24K làm nổi bật sự sang trọng.
Hoạ tiết được đắp nổi và vẽ vàng 24K.
Dòng men này mới được phục chế thành công sau cả quá trình dày công nghiên cứu, tìm tòi, tầm soát nguyên liệu và hơn 1 năm thử nghiệm. Đó là các nguyên liệu hoá thạch tự nhiên tại hai vùng đất là đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ) và đất thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), hoà quyện với nước sông Hồng và nung qua lửa đỏ.
Toàn bộ được chế tác hoàn toàn thủ công.
Để nâng tầm giá trị hơn nữa cho sản phẩm, ngoài việc được chế tác thủ công thuận theo âm dương – ngũ hành thì còn được kết hợp với vàng 24K để vẽ những đường nét, tôn vinh màu sắc của sản phẩm, mang thêm tính hiện đại, bắt kịp với cuộc sống hiện nay.
Dòng men này được nghiên cứu và phục dựng thành công bởi các nghệ nhân Làng gốm Bát Tràng.
Ngoài ra, trên mỗi sản phẩm tới tay khách hàng đều có hồ sơ, chứng nhận đảm bảo nguồn gốc.
Ông Tạ Văn Thắng, đại diện đơn vị sản xuất và phân phối bộ đồ gốm này cho biết, từ dòng men cổ này, doanh nghiệp mình đã chế tác ra những bộ đồ gốm mang giá trị truyền thống và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là đơn vị đầu tiên phục chế thành công dòng men hoàng tộc.
Hoạ tiết được đắp nổi và sử dụng biểu tượng con Nghê theo lối thuần Việt, không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc.
Từng sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng và chế tác tỉ mỉ, nổi bật đến từng chi tiết.
Hoa văn được vẽ vàng 24K làm nổi bật hoa văn đắp nổi và sự sang trọng của sản phẩm.
Mặc dù có giá hơn 400 triệu đồng nhưng bộ đồ thờ bằng gốm này đã có nhiều người đặt làm theo nguyên mẫu.
“Bộ đồ thờ bằng gốm vẽ vàng 24k này được bán với giá hơn 400 triệu đồng. Ngay khi cho ra mắt, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng theo nguyên mẫu”, ông Thắng thông tin.
Được biết, bộ gốm này được trưng bày tại Cung Văn hoá Hữu Nghị Việt Xô từ ngày 27-29/11/2022 nhân sự kiện chào mừng Đại biểu Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.