Nói là cháo nhưng thực ra món cháo canh Nghệ An được làm từ bột mì cán mỏng và cắt thành sợi dày mỏng khác nhau. Tùy sở thích và khẩu vị của khách hàng, có người thích ăn sợi nhỏ dai, cũng có người chỉ thích sợi to bản mềm, tuỳ theo đó mà chủ quán biến tấu nên hương vị món ăn.
Món ăn cháo canh lạ đời nhưng cũng quen thuộc với người miền Trung
Ngoài tên gọi cháo canh, một số nơi còn gọi món ăn này là bánh canh như món bánh canh phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt là món bánh canh Nam bộ thường sử dụng loại bột năng, khi ăn dễ bị no hơn, món cháo canh dùng bột gạo hoặc bột tẻ để làm sợi bánh nên khẩu vị hợp hơn với những thực khách địa phương.
Chị Trần Thị Linh, chủ quán bánh canh tại thành phố Vinh cho biết: “Bánh canh nhưng làm khá đơn giản, chỉ cần nồi nước dùng ngon và sợi bánh chuẩn là có thể phục vụ khách hàng”. Theo chị, cũng như những món ăn nước khác, món cháo canh thơm ngon hay không tuỳ thuộc vào phần nước dùng. Nước dùng nên là nước được ninh từ xương, có một số địa chỉ có biến tấu cho thêm phần nước béo hay tôm vào đều được, nước ninh xương giúp bát cháo canh thêm đậm đà, có vị ngọt tự nhiên mà không cần thêm quá nhiều nguyên liệu.
Phần cháo canh ngon lành, nóng hổi
Nếu hiện nay nhiều cửa hàng thường dùng loại sợi cháo canh tròn, nhỏ làm từ máy tạo sợi thì tại cửa hàng chị Linh, các sợi cháo canh được cắt thủ công hoàn toàn. Mỗi sáng, có 2 – 3 người làm sẽ thay nhau nhào bột, cắt thành miếng tròn, cán mỏng và cắt thành sợi cháo canh. Vì làm sợi cháo canh thủ công nên sợi thường to bản và ngắn hơn.
Chị Linh cho biết: “Để sợi cháo canh ngon và mềm, khi nhào bột cần phải nhào kỹ, không để bột bị vón cục hay bị khô quá mức, khi cán sẽ bị đứt sợi bánh. Các loại bột mì thông thường đều có thể làm nhưng nếu lựa chọn loại bột quá khô, khi nấu lên sợi sẽ không chín từ bên trong”.
Sợi cháo canh cắt thủ công
Vì là món sợi nên khi ăn sử dụng đũa. Đây cũng là điều khiến nhiều người địa phương khác khi mới nghe đến món cháo ăn bằng đũa thấy lạ đời. Cháo canh gồm bánh canh tô nhỏ, tô lớn và tô đặc biệt. Tô đặc biệt nhiều topping hơn so với tô thường. Tuy nhiên, sự đầy đặn của tô cháo canh thường đã làm bạn “no căng bụng”. Đi kèm cháo canh còn 1 phần rau đắng và rau cải, một bát nước mắm ớt nhỏ để chấm các phần nguyên liệu.
Thưởng thức hương vị cháo canh vừa lạ vừa quen
Nếu đã từng thử qua cháo canh, chắc chắn bạn sẽ không thể quên được hương vị của món ăn này. Cháo canh dọn ra vẫn còn nóng hổi. Sợi cháo canh được làm từ bột gạo nên khi ăn sẽ có cảm giác dai dai mềm mềm, tạo cho thực khách cảm giác khá lạ miệng mà rất thú vị.
Người miền Trung thường ăn kèm cùng bát nước mắm, chanh ớt
Người miền Trung ăn cháo canh luôn kèm chén nước mắm ớt cay thơm. Mùa đông hay ngày hè, người dân thành thị hay nông thôn thường chọn điểm tâm sáng bằng tô cháo canh, làm vài cái ram (tương tự với nem rán – cách gọi của người Bắc) và nhâm nhi thêm ly rượu nhỏ. Mùi hành phi, mùi ram thơm lừng hoà quyện lại tạo nên hương vị cháo canh cực kỳ đặc sắc, hẳn ai đã từng thưởng thức một lần không thể quên hương vị này được.
Nếu là bánh canh sườn heo, tôm thì sườn sẽ được trụng nước sôi rồi xào với tôm và hành phi cho đến khi chín tới. Với loại ăn cùng cá thì sẽ là cá lóc to, chắc thịt, đem luộc sau đó bóc lấy thịt, xào và rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi. Gắp từng đũa cháo canh là một lần thực khách được cảm nhận sự kết hợp hài hòa của sợi bánh mềm dẻo và thịt ngọt thơm trên nền nước dùng đậm đà, cộng với chút thanh thanh từ vị rau cải.
Cháo canh được nhiều người lao động chọn là món ăn sáng ngon nhất
Sự ẩm mượt, mềm ngọt của cháo bánh canh còn được chấm phá thêm bởi những thanh ram giòn rụm tan nhanh trong miệng đem lại phiên bản bánh canh độc đáo, bình dị nhưng không kém phần lôi cuốn.
Anh Văn Ngọc, thực khách thưởng thức món cháo canh tại quán chị Linh cho biết: “Mấy chục năm nay chỉ toàn quen ăn cháo canh sáng. Một bát 25.000 rẻ thôi nhưng ăn no nê cả ngày. Mình làm nghề xe ôm, chỉ suốt ngày chạy chở khách nên ăn cháo canh buổi sáng vừa ngon vừa no vừa ấm bụng trong mùa đông”.