Làng Mẹo là tên gọi khác của làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Giữa một vùng quê thuần nông, làng Mẹo nổi bật với những biệt thự nguy nga, lộng lẫy theo phong cách Châu Âu, bề thế như cung điện, nổi bật nhất phải kể đến những lăng mộ hoành tráng ngay đầu làng – được biết đến là lăng mộ lớn nhất Việt Nam.
Trong làng, ngoài những cánh đồng lúa đúng chất “nông thôn” thì làng Mẹo còn có một khu mua sắm hiện đại của đại gia Trần Văn Sen không thua kém các trung tâm thương mại tại thành thị. Giữa làng xây một ngân hàng lớn cho người dân giao dịch. Người dân ở đây ai cũng có thú chơi cây cảnh, xây mồ mả, chăm chút cho các đền thờ…
Những căn biệt thự sang – xịn – mịn tại làng Mẹo.
Vào làng Mẹo cứ ngỡ lạc vào một khu công nghiệp hiện đại, giàu có. Chiều đến, khung cảnh làng tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch.
Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Văn Toán – trưởng thôn Phương La 2 cho hay, ở đây có hơn 100 công ty, ngoài ra còn tới vài trăm doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các doanh nghiệp tại làng. Có doanh nghiệp vài tỷ, có doanh nghiệp cả nghìn tỷ đồng, doanh thu khoảng 700 tỷ đồng/năm.
Theo tiết lộ của người dân, những tỷ phú ở đây mỗi năm nộp thuế nên tới hàng trăm triệu hay thậm chí vài trăm tỷ đồng, gấp vài ba lần đối với số thuế nông nghiệp của cả tỉnh Thái Bình cộng gộp lại. Thế nhưng sự giàu có chỉ ở trong phạm vi 2km quanh làng Mẹo, những làng khác ở xã Thái Phương vẫn nguyên nét đơn sơ, thuần nông như bao làng quê khác ở quê lúa Thái Bình.
Được biết, làng Mẹo ra đời từ hơn 800 năm trước. Tên gốc của làng là Ứng Mão – có nghĩa là ngôi sao Mão, ngôi sao tượng trưng cho sự giàu có. Các làng bên ngày ấy thường cười cợt vì cái nghèo khó của làng nên gọi chệch thành làng Mèo. Để tránh tên gọi Mèo khó nghe, người dân trong làng bèn gọi là làng Mẹo, lại còn có thêm nghĩa là lắm mưu, nhiều mẹo.
Nhiều đền thờ bề thế.
Thú chơi cây cảnh tại làng Mẹo.
Người làng Mẹo vốn có nghề truyền thống là nghề dệt, được truyền lại qua 6 đời của các vị tướng “cầm trịch” nơi này. Người làng Mẹo vốn “giỏi từ trong trứng nước”, biết làm nghề dệt từ bé, lại còn rất giỏi trong buôn bán kinh doanh. Đến mức người dân Thái Bình tương truyền rằng “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Những năm 80, nghề dệt làng Mẹo đứng trước nguy cơ xóa sổ do khó khăn về nguyên liệu, tiêu thụ, nhiều người bỏ nghề. Tới năm 1986, Nhà nước xóa bỏ bao cấp, bung ra cơ chế thị trường, nghề dệt hồi sinh. Chỉ sau vài năm, trong làng đã xuất hiện những người giàu. Các sản phẩm của người làng Mẹo làm ra, người làng Mẹo tự mang đi bán không những khắp cả nước mà còn bán ra nước ngoài.
Nhờ nghề dệt mà người dân làng Mẹo trở nên giàu có, lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ lại càng giàu thêm. Tương truyền từ khi lập làng, các cụ tổ có truyền lại những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nên dân ngoại tộc không thể học được.
Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới. Tuy vậy, các đại gia hiện sống ở làng Mẹo so với những người xuất thân từ làng Mẹo đi lập nghiệp nơi khác thì chưa là gì. Trong đó có thể kể đến doanh nhân Vũ Quang Huy và con trai Vũ Quang Hội – chủ nhân của các toà nhà Bitexco, khách sạn JW Marriott, The Manor khắp trong Nam, ngoài Bắc. Những vị đại gia này cũng đặt nền móng cho tập đoàn nổi tiếng của mình từ nghề dệt.
Ngoài ra còn có đại gia Trần Văn Sen – chủ tịch tập đoàn Hương Sen. Trước đây, ông cũng đi lên từ nghề dệt, sau này đầu tư sang các lĩnh vực khác với tập đoàn Hương Sen là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh đồ uống. Có nhiều tiền, ông Sen xây những tòa nhà tráng lệ trong làng, xây lăng mộ khổng lồ mà khoảng cách vài cây số vẫn có thể quan sát được. Họ cũng đóng góp, làm từ thiện cho quê hương giàu mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, đàn ông Mẹo nổi tiếng giỏi giang, thành đạt, con gái làng Mẹo nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, có tài dệt cửi, lại hay nết. Con gái nơi khác lấy được con trai làng Mẹo là cái phúc, con trai ngoài làng lấy được con gái làng Mẹo thì chẳng khác gì vớ được vàng.