Tuy nhiên, theo Live Science, nghiên cứu cũng khẳng định nguy cơ Trái Đất bị hủy diệt bởi một tiểu hành tinh – giống kiểu tiểu hành tinh giết khủng long – vẫn cao hơn 100 lần so với nguy cơ từ những người ngoài hành tinh thù địch.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Alberto Caballero từ Trường Đại học Vigo – Tây Ban Nha đã đối chiếu các dữ liệu về lịch sử loài người, lịch sử hình thành Trái Đất và hệ mặt trời, các bộ dữ liệu cho thấy tần suất các hành tinh sống được và có khả năng phát triển nền văn minh tiên tiến… Và ngay cả mô hình chiến tranh của người Trái Đất.
Từ lâu các nhà khoa học đã chắc chắn chúng ta không cô đơn trong vũ trụ, khi các phương tiện quan sát thiên văn hiện đại cho thấy Trái Đất hay hệ Mặt Trời chưa hẳn là nơi dễ sống nhất vũ trụ. Tuy nhiên hạn chế về công nghệ chưa cho phép con người tiếp cận các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, chưa thể quan sát trực tiếp bề mặt các hành tinh được nghi có sự sống hay liên lạc với người ngoài hành tinh.
Trong một nghiên cứu từng được xuất bản trên tạp chí Mathematical SETI, nhà nghiên cứu Caballero từng tính toán được có tổng cộng 15.785 nền văn minh đang cùng chia sẻ mảnh đất Milky Way với loài người.
Thế nhưng xác suất chiến tranh liên hành tinh là thấp, vì không phải ai cũng hướng đến chiến tranh, chưa kể số hành tinh có trình độ tầm chúng ta trở xuống khá nhiều – tức không có khả năng du hành vũ trụ. Do đó số lượng “hàng xóm thù địch” chỉ là 4,42 – nghiên cứu chỉ ra.
Các tác giả cũng cho rằng với tốc độ phát triển của nền văn minh loài người, phải mất vài trăm năm nữa chúng ta mới có khả năng kết nối được với một tộc người ngoài hành tinh – điều mà giới thiên văn khắp thế giới luôn ao ước.