Theo Kaspersky, những cuộc tấn công mạng lớn nhất và gây ảnh hưởng nhiều nhất xảy ra mỗi 6 – 7 năm/vụ. Sự vụ gần nhất là tấn công do mã độc WannaCry, sử dụng lỗ hổng EternalBlue để tự động phát tán ransomware đến máy tính. Các nhà nghiên cứu Kaspersky tin rằng, khả năng cao một WannaCry thế hệ tiếp theo sẽ xuất hiện trong năm 2023.
Các chuyên gia tin rằng, trong năm sau, chúng ta có thể thấy những kẻ tấn công táo bạo và thành thạo trong việc kết hợp tấn công mạng và tấn công vật lý sử dụng drone (máy bay không người lái). Một trong những kịch bản tấn công có thể xảy ra là gắn drone với công cụ thu thập WPA dùng cho bẻ khóa mật khẩu Wi-Fi ngoại tuyến, hoặc đánh rơi USB độc hại tại những khu vực bị hạn chế với hi vọng người qua đường sẽ nhặt về và cắm vào máy tính.
Trong bối cảnh chính trị hiện tại, các chuyên gia của Kaspersky cũng dự báo các cuộc tấn công mạng gây rối và phá hủy sẽ đạt số lượng kỷ lục, ảnh hưởng đến cả các chính phủ và các ngành công nghiệp trọng điểm. Khả năng một phần trong số chúng sẽ không dễ dàng truy nguyên được từ các sự cố mạng và sẽ trông giống như các sự cố ngẫu nhiên. Các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, chẳng hạn như lưới năng lượng hoặc phát sóng công cộng,… cũng có thể xảy ra.
Với khả năng hiện có, Kaserpsky cảnh báo thêm, việc tin tặc có thể tấn công vệ tinh (sự cố Viasat là một ví dụ) cho thấy các tác nhân đe dọa APT sẽ ngày càng chú ý đến việc thao túng và can thiệp vào các công nghệ vệ tinh trong tương lai, khiến việc bảo mật cho công nghệ này quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là một hình ảnh viễn tưởng thường thấy trong nhiều bộ phim điện ảnh, giờ đây hoàn toàn có thể xảy ra trên hiện thực.