Quân đội Mỹ tính toán rằng tàu vũ trụ này sẽ chạm đến bầy khí quyển vào khoảng 21 giờ 30 phút tối 19-4 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tương ứng với 8 giờ 30 phút sáng 20-4 theo giờ Việt Nam. Thời điểm có thể sai lệch cộng hoặc trừ 16 giờ.
Theo NASA, hầu hết khối lượng 270 kg của vật thể sẽ biến thành tro và bốc hơi trong “cú lặn tử thần” của nó vào bầu khí quyển địa cầu.
Tàu RHESSI, một vệ tinh quan sát Mặt Trời
Tuy nhiên các quan chức NASA cũng thừa nhận “một số phần dự kiến sẽ vẫn tồn tại”, dù khẳng định “nguy cơ gây hại cho bất kỳ ai trên Trái Đất là thấp, khoảng 1/2.467”.
Theo tờ Space, cú rơi sắp sửa của RHESSI là một lời nhắc nhở khác rằng quỹ đạo Trái Đất là nơi ngày càng đông đúc và nguy hiểm, với hơn 30.000 mảnh vụn đang được theo dõi bởi các mạng giám sát không gian toàn cầu. Nhưng vẫn có nhiều thứ khó kiểm soát.
Ngay cả những mảnh vỡ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu chúng va chạm với các tàu vũ trụ, trạm vũ trụ khác, vì nhiều vật thể bay rất nhanh.
Hồi tháng 12-2022, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã mất tàu Soyuz đang gắn vào Trạm vũ trụ quốc tế ISS, mà theo kết luận chung của cơ quan này và NASA là do một mảnh vỡ không gian làm thủng tàu, rò rỉ chất làm mát.
Sự cố đã khiến 3 phi hành gia của Roscosmos và NASA – vốn lên ISS bằng tàu này – phải ở thêm vài tháng trước khi một tàu Soyuz khác đưa ba phi hành gia khác lên tiếp tục nhiệm vụ của họ. Nga có một tàu Soyuz khác nhưng đã phải phóng lên để thay thế tàu bị thủng.
Sau đó, Nga tiếp tục mất một tàu chở hàng khác. Tàu này sau đó đã được điều hướng để quay trở lại Trái Đất, cháy một phần trong bầu khí quyển và phần còn lại rơi an toàn xuống Thái Bình Dương.