Nhưng dữ liệu năm 2014-2015 của nó đã cho thấy một “bóng ma” rực rỡ và bí ẩn mang tên WTP14adbjsh: Chỉ có một mình NEOWISE nhìn thấy nó, các kính viễn vọng cùng thời hầu hết bị “mù”!
Tác giả chính của nghiên cứu mới, nhà vật lý thiên văn Christos Panagiotou từ Viện Nghiên cứu vật lý thên văn và vũ trụ Kavli thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ), mô tả rằng nguồn sáng bắt đầu hiện lên bất thường từ năm 2014.
Đến năm 2015, nó đạt độ sáng rất cao, sau đó bắt đầu quay trở lại trạng thái tăm tối trước đó.
Các nhà khoa học đã thử đối chiếu các bộ dữ liệu khác về cùng một vùng trời, được thu thập bởi các sứ mệnh khảo sát quốc tế MAXI (bằng tia X) và ASAS-SN (quang học), cho thấy vật thể lạ hoàn toàn không hiển thị trong các loại ánh sáng đó.
Bằng nhiều phân tích, họ đã phát hiện ra “bóng ma” là ánh sáng từ một sự kiện lỗ đen nuốt sao (TDE) cực kỳ tàn khốc. Trong đó một ngôi sao lớn đã bị lực thủy triều theo phương thẳng đứng từ lỗ đen xé nát, trước khi tiêu thụ hoàn toàn.
“Sát thủ” được xác định là lỗ đen siêu khối – mà giới thiên văn hay gọi là lỗ đen quái vật – của thiên hà NGC 7392, nằm cách Trái Đất 137 triệu năm ánh sáng.
Khoảng cách đó chỉ bằng 1/4 khoảng cách kỷ lục của một TDE từng được phát hiện trước đó, tức các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự kiện TDE gần Trái Đất nhất từ trước đến nay – tất nhiên đủ xa để chúng ta không bị ảnh hưởng.
Đặc biệt hơn, nó là TDE hiếm hoi được ghi nhận ở một thiên hà đang hình thành sao. Có thể sự kiện này vẫn xảy ra, nhưng so với thiên hà già, thiên hà trẻ đang hình thành sao thường được bao phủ bởi lớp bụi dày, khiến khó quan sát được các sự kiện tương tự.
Các phép đo cho thấy lỗ đen quái vật này có khối lượng khoảng 30 triệu Mặt Trời.