Tranh luận, tranh cãi là những điều rất thường xảy ra khi chúng ta đăng tải một ý kiến, một bình luận hay một liên kết trang báo trên Facebook. Khi có một người bình luận (đồng ý hoặc không đồng ý), sẽ có người khác nhảy vào để thêm quan điểm của họ.
Bài đăng lúc này sẽ nóng hơn bao giờ hết khi ai cũng cố gắng bảo vệ quan điểm riêng của họ, những từ ngữ khắc nghiệt sẽ được sử dụng. Chẳng bao lâu, bạn và một số người khác sẽ bắt đầu tham gia vào một trận la hét ảo, nhắm vào những người mà bạn thậm chí chưa từng gặp.
Đây là kết quả trong một cuộc thử nghiệm của các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Chicago và UC Berkeley.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã để 300 người đọc, xem video hoặc nghe tranh luận về các chủ đề nóng hổi trên mạng, đơn cử như chiến tranh, nhạc rap… Sau đó, những người này sẽ được phỏng vấn về phản ứng của họ đối với những ý kiến mà họ không đồng tình.
Kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ rệt, những người đã nghe hoặc xem nội dung thường không phản ứng thái quá như những người đọc nội dung tương tự bằng văn bản.
Chia sẻ với tờ The Washington Post, nhà nghiên cứu Juliana Schroeder cho biết: “Một người trong nhóm chúng tôi đã đọc một đoạn trích bài phát biểu trên báo in về một chính trị gia mà anh ấy không đồng tình. Tuần sau, anh ấy nghe thấy chính xác bài phát biểu trên đài phát thanh, và cảm thấy bị sốc vì những phản ứng thái quá trước đó”.
Nghiên cứu còn cho thấy cách tốt nhất để những người không hiểu ý nhau tìm được điểm chung hoặc đạt được sự thỏa hiệp là nói chuyện trực tiếp với nhau, như mọi người vẫn thường làm trong các cuộc họp hoặc trên bàn ăn tối.
Tuy nhiên giờ đây rất nhiều tương tác của chúng ta diễn ra trên mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện, tin nhắn văn bản hoặc email.
Nếu bạn đang ở giữa một cuộc tranh cãi trên Facebook (hoặc Twitter, Instagram, email, tin nhắn văn bản…) và người ở phía bên kia là người mà bạn quan tâm, hãy dừng lại việc gõ bình luận và trả lời. Thay vào đó, hãy hẹn gặp cà phê để bạn có thể nói chuyện trực tiếp, hoặc ít nhất là nhấc điện thoại lên trao đổi.