Tết Đoan Ngọ được biết đến là một trong những ngày Tết truyền thống được người Việt vô cùng coi trọng. Vậy Tết Đoan ngọ cúng gì? Cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Tết Đoan Ngọ 2022 là ngày nào, thứ mấy dương lịch?
Theo lịch vạn niên, Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 năm 2022 sẽ rơi vào ngày thứ Sáu tức mùng 3 tháng 6 dương lịch.
Tết Đoan Ngọ 2022 rơi vào ngày thứ Sáu
Đây là ngày trong tuần vì thế các gia đình muốn làm lễ cúng cần cân nhắc thời điểm thích hợp tránh bỏ quên hoặc quá ngày mới dâng cúng gia tiên, thần linh.
Các chuyên gia phong thủy cho hay, trong ngày Tết Đoan Ngọ năm nay, có 2 khung giờ đẹp để làm lễ cúng là giờ Ngọ (khoảng 11 – 13 giờ) và giờ Thìn (từ 7 – 9 giờ sáng).
Tết Đoan ngọ cúng gì?
Tùy theo phong tục của mỗi vùng miền, địa phương mà câu trả lời cho thắc mắc Tết Đoan ngọ cúng gì sẽ khác nhau.
1. Người miền Bắc cúng gì trong Tết Đoan ngọ?
Trong ngày Tết Đoan ngọ, người miền Bắc thường chuẩn bị những lễ vật sau để dâng cúng gia tiên, thần linh:
– Cơm rượu nếp
Đây là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Cách làm cơm rượu nếp cái hoa vàng rất đơn giản. Trước tiên, bạn vo sạch gạo nếp rồi đem ngâm trong khoảng 4 – 8 tiếng. Gạo đã ngâm nở, bạn vo thêm lần nữa rồi đem đi đồ hoặc nấu chín.
Xới cơm ra mâm, khi thấy xôi nguội thì bắt đầu rắc men lên bên trên. Dùng tay trộn cơm để men thấm đều hơn. Chú ý, nên trộn khi cơm còn ấm như thế sẽ dễ lên men hơn.
Cho phần cơm nếp vừa trộn vào trong hũ sành, sứ rồi đậy nắp lại, ủ khoảng 3 – 4 ngày là có thể dùng được.
Kiểm tra thấy hạt nếp đã ngấu, mùi men thơm thì múc ra bát rồi thưởng thức.
– Mâm ngũ quả: Mận, vải, xoài, dưa hấu
– Bánh tro (bánh gio)
Bánh tro hay bánh gio là món bánh đặc trưng trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ của người miền Bắc. Bánh tro cũng không quá khó làm nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Gạo nếp vo sạch rồi ngâm vào trong chậu nước tro chừng 22 tiếng. Ngâm xong, bạn vớt gạo ra rổ cho ráo nước rồi xóc cùng 1 chút muối.
Lá dong rửa sạch, lau khô sau đó cho gạo vào giữa và gói mép lá lại. Dùng lạt buộc bánh thật chắc rồi cho vào nồi luộc. Thời gian luộc bánh khoảng từ 2 – 4 tiếng.
Bánh chín, bạn vớt ra để nguội và thưởng thức. Món bánh tro sau khi luộc sẽ có màu hổ phách rất đẹp mắt. Để món ăn thêm tròn vị bạn nhớ chuẩn bị mật mía nhé.
Ngoài ra, tùy vào mỗi gia đình mà lễ vật sẽ có thêm những món khác nhau. Ví dụ có gia đình sẽ chuẩn bị thêm lễ mặn như gà xôi, có nhà sẽ thêm bát xôi chè…
Tham khảo một số mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc:
2. Miền Trung Tết Đoan ngọ cúng gì?
Khác một chút so với người miền Bắc, miền Trung sẽ có thêm thịt vịt trong mâm cúng. Cụ thể:
– Thịt vịt
Thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ thường là vịt luộc hoặc vịt quay. Với thịt vịt luộc, bạn nên mua loại đã làm sẵn ở chợ để tiết kiệm thời gian.
Thịt vịt có mùi hôi đặc trưng vì thế bạn cần chà xát muối + gừng tươi để loại bỏ mùi. Tiếp đến, rửa sạch vịt sau đó cho vào nồi, thêm nước ngập bề mặt vịt và bật bếp. Khoảng 20 – 30 phút là vịt chín.
Dùng tăm xiên vào phần thịt để kiểm tra xem vịt đã chín hay chưa. Nếu không thấy nước đỏ tiết ra thì bạn có thể vớt vịt ra để nguội rồi chặt và xếp lên đĩa.
Món vịt luộc sẽ ngon hơn khi chấm cùng nước mắm gừng tỏi.
– Chè hạt sen, chè hạt kê
– Hoa quả theo mùa
– Cơm rượu nếp
Gợi ý một vài mẫu mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của miền Trung:
3. Mâm lễ vật ngày mùng 5 tháng 5 của người miền Nam
Người miền Nam chịu ảnh hưởng không ít của văn hóa Trung Hoa vì thế ít nhiều có sự khác biệt so với 2 miền Bắc và Trung. Nếu được hỏi Tết Đoan ngọ cúng gì thì người miền Nam sẽ lập tức gọi tên những lễ vật sau:
– Bánh ú bá trạng
– Chè trôi nước
– Xôi gấc
Xôi gấc không khó nấu. Gạo nếp ngâm tối thiểu 6 tiếng để hạt gạo nở, khi nấu xôi sẽ thơm và dẻo hơn. Bổ gấc và lấy hạt ra bát. Thêm vào đây 1 thìa rượu trắng cùng muối và trộn đều lên.
Vớt gạo ra cho ráo nước sau đó đem trộn cùng thịt gấc. Dùng tay trộn đều phần gấc cùng gạo để xôi có màu đẹp.Cho gạo vào nồi cơm điện, nhấn nút “Cook” để bắt đầu nấu xôi.
Sau khi xôi chín, nồi cơm nhảy nút “Warm”, bạn nhấn thêm 1 lần nút “Cook” nữa là được.Đơm xôi ra khuôn để tạo hình rồi thêm dừa nạo sợi lên bên trên và đem đặt lên mâm lễ Tết Đoan Ngọ.
– Trái cây
– Cơm rượu nếp
Ngoài những lễ vật trên, mâm cúng của cả 3 miền đều có thêm hương, hoa, trà, vàng mã và trầu cau.
Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà lễ vật dâng cúng sẽ có sự khác nhau. Dù lễ lớn hay lễ nhỏ thì tấm lòng thành kính của gia chủ vẫn là điều quan trọng nhất.
Những lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan ngọ
Bên cạnh việc nắm rõ Tết Đoan ngọ cúng gì, bạn cũng cần nên lưu ý một số vấn đề sau để tránh phạm điều đại kỵ.
– Mâm cỗ dâng cúng gia tiên, thần linh cần được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ. Không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải đủ các lễ chính như: Cơm rượu nếp, trái cây, hương, hoa,… Các đồ lễ này phải được bày biện đẹp – sạch sẽ.
– Không sử dụng đồ giả để dâng cúng như: Hoa giả, trái cây giả…
– Trái cây dâng cúng phải được lựa chọn kỹ càng. Không chọn quả dập, nát, thối hỏng bày lên ban thờ kẻo phạm điều kỵ.
– Đồ dâng cúng phải sạch sẽ, không đụng đũa kẻo bị coi là không tôn trọng bề trên.
– Người làm lễ cúng phải ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ, lịch sự và kín đáo.
– Quá trình chuẩn bị lễ cúng tránh làm rơi hoặc đổ vỡ đồ đạc như thế sẽ bị cho là xui rủi, không may.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc Tết Đoan ngọ cúng gì. Tham khảo thêm các bài viết về ngày Tết diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 tại Bếp Eva để hiểu rõ hơn về ngày Tết truyền thống này nhé.