Nhút nhát
Học sinh châu Á tự học rất tốt, nên họ có thể giỏi ngữ pháp, viết tốt, có vốn từ vựng phong phú…, bởi những điều đó thì họ có thể làm ở nhà, không có ai nhìn. Nhưng khi phải nói bằng ngoại ngữ trước đông người, họ lại rụt rè, lo là nếu mình mà sai thì sẽ bị cười chê, hoặc trông mình sẽ rất ngớ ngẩn…
Sự khác biệt trong cách phát âm
Không phải tất cả mọi người trên thế giới khi lớn lên đều nghe cùng những kiểu âm thanh như nhau. Cách phát âm trong ngôn ngữ của nhiều nước châu Á rất khác với cách phát âm tiếng Anh; nhiều âm trong tiếng Anh còn không có trong ngôn ngữ châu Á (và ngược lại), nên để học được cách phát âm tiếng Anh chuẩn đối với nhiều người châu Á thì không phải là dễ.
Việc tương tác chưa trở thành thói quen trong lớp học
Nhiều giáo viên châu Âu và Mỹ nhận xét rằng trong nhiều lớp học ở châu Á có ít sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Phần lớn học sinh ít nhiệt tình tham gia vào bài học. Với một số môn học thì điều này là dễ hiểu, nhưng với môn ngoại ngữ, nếu học sinh vẫn giữ nguyên thói quen này thì việc luyện nói trong lớp sẽ bị hạn chế. Cứ thế, một vòng luẩn quẩn được tạo thành: Ít nói chuyện với thầy cô người nước ngoài nên không luyện nói được mấy, từ đó nói chưa hay, rồi vì nói chưa hay nên lại ngại và càng ít nói…
Ít tiếp cận được với việc nghe và nói tiếng Anh
Ngoài những thành phố lớn, còn rất nhiều vùng nông thôn, nơi học sinh ít có điều kiện tiếp cận với tiếng Anh bản xứ vì không có thầy cô giáo người nước ngoài tới dạy, và cũng không phải ai cũng dễ dàng vào mạng Internet được. Cho nên, học sinh ở những nơi đó có ít cơ hội nghe hoặc tương tác bằng tiếng Anh bản xứ.
Ngại tranh luận
Học sinh châu Á có thể rất chăm học, nhưng lại thường ngại tranh luận, đặt câu hỏi bằng lời, một phần cũng vì sợ mình sai rồi xấu hổ. Mặc dù thực ra, các thầy cô rất hoan nghênh học sinh tranh luận (miễn là đúng mực, lễ phép), và các giáo viên người nước ngoài thì lại càng hoan nghênh vì họ thấy rằng như thế là học sinh cố gắng nói bằng ngôn ngữ mà mình đang học (tiếng Anh).
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có không ít học sinh châu Á nói tiếng Anh cực “đỉnh”. Theo các thầy cô dạy tiếng Anh thì “bí quyết” của họ cũng không có gì bí mật cả, mà là những việc làm, thói quen rất bình thường, chẳng hạn thế này:
– Tìm và tận dụng mọi cơ hội nói tiếng Anh, chẳng hạn như chăm tương tác với thầy cô trên lớp, nghe tiếng Anh trên YouTube, podcast…
– Tự luyện nói một mình ở nhà, cứ nói, ghi âm, nghe lại, chỉnh sửa; hoặc đọc theo các bản tin tiếng Anh, nói đi nói lại nhiều lần cho khớp.
– Chấp nhận rằng mình nói có thể còn vấp váp, sai, phát âm chưa chuẩn…, cũng như người châu Âu mà nói một ngôn ngữ châu Á thì cũng vậy mà.
– Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh ở trường để trò chuyện với các bạn khác bằng tiếng Anh.