Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị đang điều trị cho nam bệnh nhi T. học lớp 8, (14 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) trong suốt 5 tháng qua.
Trước đó, T. được bệnh viện địa phương chuyển lên cấp cứu với chẩn đoán viêm tụy hoại tử nặng.
Từ tỉnh nhà Sóc Trăng chuyển lên, T. được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy hoại tử nặng, nang giả tụy phát hiện sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ. Em nôn ói mật xanh nguy kịch, nhanh chóng vào sốc nhiễm độc toàn thân kèm với một tiền sử hay bị đau bụng, nhiễm trùng đường ruột tới lui từng ghi nhận trước đó.
Nam sinh đã được phẫu thuật cắt bỏ nang tụy khẩn cấp, điều chỉnh nhiễm trùng bao vây triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc chia sẻ: “Sau hơn năm tháng bỏ dở chương trình học lớp 8 và phải điều trị tích cực tại ICU, lần đầu chúng tôi bắt gặp được T. nở nụ cười tươi trọn vẹn cùng mẹ, bên chiếc sẹo mổ đã lành lặn và ống thông hỗng tràng đưa bột và các chất dinh dưỡng nghiền nát hỗ trợ cho việc ăn uống dần hoạt động tốt.
3 tháng sau khi có ống thông, T. đang thích dần đồ ăn nhuyễn của mình, bớt ám ảnh mất mát, bớt ủy mị đa sầu đa cảm, tinh thần lạc quan tự tin”.
Theo bác sĩ, bệnh viêm tụy cấp ở trẻ đang là mối quan tâm lớn đối với các bậc phụ huynh. Đặc biệt, khi bệnh nhi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.
Thông thường khi trẻ bị viêm tụy cấp đều có biểu hiện đau bụng, thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trẻ bị đau quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, cơn đau tăng dần, đặc biệt là đau nhiều hơn sau khi ăn. Trẻ bị viêm tụy cấp có thể có nôn nhiều, mệt, dấu hiệu mất nước rõ, ăn ít.
Viêm tụy cấp ở trẻ em được điều trị bằng cách đặt ống vào dạ dày để rút dịch. Bệnh nhi sẽ phải nhịn ăn, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch hoặc đặt ống xông đặc biệt qua dạ dày trong suốt thời gian điều trị.
Sau đó, bệnh nhi sẽ được bù dịch, bệnh nhi có thể phải dùng kháng sinh nếu bệnh ở mức độ nặng. Thời gian nằm viện của trẻ sẽ rất lâu, có thể cả vài tháng.