Bộ Y tế vừa có Công văn về việc phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết gửi bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 34 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp. Dự báo, số ca bệnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng, cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên.
Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ:
– Mức độ 1: Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
– Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh được cho nhập viện điều trị.
– Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu. Mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết, sốc sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nặng và suy tạng nặng.
“Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy, khi thăm khám, các y, bác sĩ cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp”, Bộ Y tế lưu ý.
Tại Hà Nội, từ ngày 4 đến 10-7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước) tại 23 quận, huyện và 51 xã, phường, thị trấn.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.