Cát và gió như một họa sỹ tài ba
Đồi cát Nam Cương hay như cách gọi dân dã của người Ninh Thuận là “Động Nam Cương”. Ảnh: NÚI XANH
Hai bên đường tới Nam Cương bây giờ là vườn táo, vườn nho, rẫy dừa và bạt ngàn ruộng măng tây xanh. Trên tuyến đường này, du khách sẽ gặp nhiều mô hình hoa viên, nông trại hữu cơ và có hẳn 1 vườn thú ZooDoo độc và lạ, thu hút khá nhiều khách du lịch…
Với diện tích khoảng 700 ha Nam Cương không gian bốn bề chỉ là cát, xuôi về phía nam là màu đỏ đất Bazan chứa nhiều khoáng sản Titan.
Cảm giác đầu tiên của du khách sẽ thấy mình như lạc vào thế giới sa mạc rộng lớn. Cát dồn lên thành những ngọn đồi cao thấp, nối với nhau là những triền cát cong cong gợi trí tưởng tượng cho du khách tha hồ bay bổng.
Bốn mùa nơi đây lúc nào cũng lộng gió. Vốn dĩ là đồi cát bay nên những lườn cát được gió thay đổi hình, tạo dáng liên tục. Mùa gió Nồm thì ngọn đồi dịch lên phía bắc và mùa Bấc gió xô đồi cát ngược về hướng nam.
Đồi cát Nam Cương phụ thuộc vào mặt trời, trắng nhạt khi sáng sớm, vàng ươm khi nắng lên và đỏ au lúc hoàng hôn…
Sở dĩ những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, mấy chục năm nay họ vẫn cứ say mê chốn này cũng bởi vì những lý do ấy. Cát và gió như một họa sỹ tài ba, tạo cho Nam Cương mỗi góc ảnh là một bức tranh hoang sơ riêng biệt làm mê mẩn lòng người…
Nhiều tác phẩm ảnh chụp đồi cát Nam Cương, đã đạt giải cao tại các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Những bức ảnh đẹp nhất về nơi này mà mọi người có thể tìm thấy trên mạng internet, đều có bóng dáng của họ trong đó. Trên đồi cát có một điều thú vị lạ lùng
Đến sa mạc cát Nam Cương vào mùa hè là tuyệt nhất. Du khách có thể tới từ lúc sáng sớm, đứng trên đồi cao hít căng lồng ngực không khí thanh khiết, ngắm nhìn những đìa nuôi tôm trên cát, lung linh đèn trải dài ra phía biển. Du khách vươn vai đón mặt trời từ từ nhô lên từ ngút tầm mắt phía chân sóng đại dương…
Khi những tia nắng đầu tiên trải dài trên đồi cát, hẳn ai cũng phải thích thú thốt lên, vì qua một đêm mặt cát đã xóa nhòa các dấu chân của những người hôm qua để lại.
Cát lăn tăn như mặt sóng hồ trải dài ngút tầm mắt và chi chít dấu chân chim. Chiều khi mặt trời ngả về phía Cao nguyên Lâm Viên, đây là thời điểm Nam Cương đông người tới để chụp ảnh, dạo chơi và trượt trên các triền cát.
Lũ con nít cứ tha hồ chạy nhảy, đá bóng, trượt cát, lỡ có té cha mẹ cũng không sợ con đau…
Không chỉ ban ngày Nam Cương mới nhộn nhịp thu hút du khách ghé chơi. Mỗi khi trăng tròn thì đây cũng xôn xao tiếng nói cười, khách chủ yếu là thanh niên ở thành phố và các làng quanh vùng.
Không cần chờ chiều nắng dịu, mà ngay cả lúc giữa trưa, đi trên đồi cát vẫn không sợ nóng chút nào, bởi lớp cát phía trên liên tục di chuyển, cộng với gió từ biển mang hơi ẩm vào sẽ làm nguội ngay bề mặt.
Họ lên đây ngắm trăng nhô lên từ biển, vui chơi đến lúc trăng quá đỉnh đầu mới nhường lại Nam Cương cho gió xóa vết ngày qua…
Đứng trên đồi, cát chỉ ràn rạt bay lên tới đầu gối là cùng. Không ít du khách thích thú vì điều này, khi vẫn mặc quần ngắn để cho cát mặc sức “mát xa” chân trần.
Nam Cương còn có một hiện tượng hết sức lạ lùng, thú vị chưa có lời giải thích thỏa đáng và chỉ dành cho những ai đã leo lên đến đỉnh đồi mới biết.
Trong những ngày nắng nhất, sẽ xuất hiện một mạch nước ngầm loang ướt cả một khoảng đồi, cào lên một chút là nước rịn ướt cả tay. Cảm giác như có thể đào một cái giếng nước giữa lưng đồi, bốn bề khô khát Nam Cương.
Nếu tới Nam Cương đúng dịp lễ Ramadan hay lễ hội Ka Tê của người Chăm, du khách nhất định sẽ thích thú khi thấy đồi cát này như là một sân của lễ hội.
Các cô gái Chăm trong sắc phục truyền thống đầy màu sắc, sau khi vào thánh đường, lên tháp rủ nhau tới đây vui chơi nhảy múa và du khách có thể chụp ảnh thỏa thích, hay trò chuyện làm quen với họ một cách rất tự nhiên.
Hiện nay đồi cát Nam Cương cũng đã đưa vào Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035.