Bức ảnh chụp bằng máy bay không người lái vào ngày 23/8 cho thấy tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn với phần chân đế lộ ra do mực nước thấp ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã / Shen Bohan.
Sự sụt giảm mực nước do hạn hán ở ba nhánh sông Dương Tử đã làm lộ diện phần dưới của tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn, một di sản thế giới được UNESCO công nhận nằm bên ngoài thành phố Lạc Sơn, tây nam Tứ Xuyên của Trung Quốc. Phần dưới từ trước đến nay đều ngập trong nước, chỉ bây giờ mới xuất lộ đầy đủ.
Bức tượng Phật, được tạc vào một vách đá ở núi Lạc Sơn và nhìn ra ba con sông hội tụ, đó là sông Minjiang, Qingyi và Dadu, được xây dựng trong khoảng thời gian 90 năm, bắt đầu từ năm 713 trong triều đại nhà Đường (618-907).
Công trình Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Đức Phật bằng đá cao nhất thế giới, được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, đối diện với núi Nga Mi và dòng sông chảy ngay dưới chân Phật.
Đây là điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã / Shen Bohan
Công trình bằng đá cao hơn 70m, được xây dựng từ đời Đường, vẫn giữ nguyên vẻ tinh xảo dù trải qua gần 1.000 năm lịch sử, mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Đầu tượng cao 15m, chỉ riêng phần lông mày của tượng Phật dài tới 5.5m. Thậm chí, cả 100 nhà sư có thể cùng ngồi vừa lên một bàn chân của Đức Phật.
Theo người dân ở đây, kể từ khi xây xong bức tượng này, dòng sông hung dữ trở nên hiền hòa hơn, nhờ đó, đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính do lượng lớn đất đá rơi xuống dòng sông, có thể khiến dòng chảy bị thay đổi.
Hiện Lạc Sơn Đại Phật luôn là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất Trung Quốc.
Tượng Phật nhìn từ xa. Ảnh: Tân Hoa Xã / Shen Bohan