Trong khu vực núi Hùng có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng của non sông hội tụ.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Phía đông với các dãy núi non trung điệp.
Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù xa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.
Hiện nay dấu vết cư trú của dân cư thời đại các vua Hùng còn để lại trong hàng chục di chỉ khảo cổ học, được phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc – Việt Trì. Những di chỉ khảo cổ học đó là minh chứng một thời đại, với nghề luyện kim đồng thau và trồng lúa nước của một nền văn minh nông nghiệp, đã từng tồn tại trước công nguyên hàng nghìn năm.
Đến đây, du khách được tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, tìm hiểu về Nhà nước Văn Lang với kinh đô Phong Châu – nhà nước và kinh đô đầu tiên của Việt Nam.
Đền Hùng là trung tâm, là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả theo địa phương hay các tên khác: núi Hùng, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Trước kia khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới. Ngày nay núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây tầng khác nhau, gồm 150 loài thảo mộc, thuộc 35 họ, trong đó còn lại một số cây đại thụ lớn như: đa, thông, thiên tuế,…
Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên trầu về Nghĩa Lĩnh.
Đền Hùng đã và đang được tôn tạo, tu bổ, xây dựng xứng đáng là trung tâm văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng cặp như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ – Chu Hoá). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thuỷ hữu tình. Tương truyền vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.
Khởi đầu cuộc hành trình, du khách nên tham quan Bảo tàng Hùng Vương. Tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa tỉnh Phú Thọ qua các thời kì. Đặc biệt Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ nguyên vẹn hai mộ táng được xác định đã gần 4.000 tuổi.
Tiếp theo, du khách khởi hành đi tham quan đình cổ Hùng Lô – quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu trên vùng đất Tổ có niên đại trên 300 năm tuổi, nằm bên bờ sông Lô. Những năm gần đây, nơi này đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh Phú Thọ.Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ.
Đến thăm đình Hùng Lô, du khách không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội mà còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng của thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại đình. Nơi đây cũng còn lưu giữ được tương đối các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lưu hương, hạc…bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo; tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng và hệ thống 43 câu đối.
Tiếp theo là tham quan làng cổ Hùng Lô với: góc chợ quê, nhà cổ, trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh giày truyền thống, tham quan cơ sở sản xuất mì gạo (bún khô), những sản vật địa phương dân dã, mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng những giá trị to lớn về tình yêu quê hương, đất nước của người dân làng Hùng Lô.
Miếu Lãi Lèn tại làng Phù Đức thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, cũng là một nơi đáng đến tham quan. Nơi đây tương truyền là đất phát tích của hát Xoan Phú Thọ; tham quan nhà trưng bày hát Xoan tại miếu Lãi Lèn.
“Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các hội hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành Hoàng làng; hát các quả cách cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu của dân tộc.
Bánh giầy Lang Liêu luôn thu hút khách dịp giỗ Tổ.
Về món ăn, bánh giầy Lang Liêu đang là món quà đất Tổ được nhiều du khách yêu thích. Bánh giầy đặc sản của Phú Thọ bày bán ở khu vực phía dưới đền Hùng rất ngon. Đặc biệt bánh mới giã nên còn nóng và dẻo.
Bánh giầy Lang Liêu được làm từ gạo, giã bằng chày gỗ và sản xuất trong ngày ngay tại đền Hùng. Lưu ý khi mua bánh giầy phải có tem mác của cơ sở sản xuất với những thông tin đầy đủ về địa chỉ, thành phần, số liên lạc, ngày sản xuất và hạn sử dụng.