Tôi tham gia sản xuất chỉ nhằm học hỏi, cũng không phải nhà đầu tư hay sản xuất chính. Thực ra, dự án đã được chúng tôi ấp ủ khoảng 2-3 năm và mỗi người góp một ít để làm. Chủ yếu, tôi vẫn tập trung cho công việc diễn xuất. Tôi vẫn phải học nhiều. Có lẽ, chỉ khi nào đủ kinh nghiệm, kinh tế, có đủ mối quan hệ, mình mới có thể nghĩ tới việc chuyển hướng làm nhà sản xuất. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn cần cái duyên vì đôi khi, mình đủ mọi thứ nhưng lại thiếu kinh tế, khi đủ kinh tế lại già rồi (Cười).
Còn hình mẫu? Tôi không định hướng mình phải thành ai đó. Điều đó chỉ khiến bản thân chịu áp lực. Ban đầu, tôi theo nghề diễn do được truyền cảm hứng bởi nghệ sĩ Chiến Thắng sau khi xem “Gặp nhau cuối tuần”. Vào làm điện ảnh, tôi lại muốn sau này được như anh Lý Hải.
Cộng tác với anh Hải trong hai phần phim “Lật mặt”, tôi thấy anh có sự cố gắng và cách làm việc của hai anh em cũng giống nhau. Ngoài đời, tôi tương đối ít nói, trong khi anh Hải còn ít nói hơn.
Thực ra, nhiều người có đủ kinh nghiệm, trình độ, có kịch bản hay nhưng thiếu về kinh phí. Có người có kinh phí lại thiếu chuyên môn. Anh Hải có đủ hai thứ ấy. Anh ấy có nền tảng, đủ kinh tế để đầu tư những bộ phim hoành tráng, tự viết được kịch bản. Tôi cũng muốn làm phim, được tự do viết kịch bản, sáng tạo như anh.
Phim “Siêu lừa gặp siêu lầy”, Mạc Văn Khoa vừa làm diễn viên vừa đồng sản xuất
– Vừa tham gia hoạt động nghệ thuật, vừa kinh doanh, từng nghe nói thu nhập của anh là tiền tỷ/ngày?
Tin đồn này ở đâu ra đó? (Cười lớn). Bán bún đậu mà kiếm được tiền tỷ/ngày, chắc ai cũng đi bán rồi! Kiếm 20 triệu/ngày còn không dễ, huống chi tiền tỷ.
Có lẽ trong hậu trường hoặc khi tham gia một số gameshow, anh em đồng nghiệp có ai đó nói trêu dẫn tới tin đồn này. Tôi vẫn ở nhà thuê, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm!
– Nói thế nhưng dự án đồng sản xuất của anh – “Siêu lừa gặp siêu lầy” vừa rồi đạt doanh thu hơn 121 tỷ đồng. Chắc hẳn anh thừa tiền mua nhà?
Tôi cũng không biết bao nhiêu cho đủ. Một căn nhà có thể có nhiều giá trị. Quan trọng là có khi xém đủ, tôi lại muốn làm phần 2 của phim. Ban đầu, tôi nghĩ tham gia đầu tư phim để nếu có được lợi nhuận, có thể tích góp tiền mua nhà. Có được rồi, tôi lại muốn làm nhiều hơn
Nếu mua nhà, vợ con không phải ở nhà thuê nữa, tôi sẽ không còn kinh tế để tiếp tục tham gia làm nhà sản xuất. Ngược lại, bỏ tiền đầu tư thì hai vợ chồng lại tiếp tục đi ở nhà thuê. Cuộc sống lúc nào cũng áp lực.
– Anh từng nói bà xã như một trợ lý, vị “trợ lý” này phản ứng thế nào với kế hoạch đầu tư phim và vẫn đi thuê nhà của anh?
“Trợ lý” là ở thời điểm chúng tôi yêu nhau. Đi đâu, hai đứa cũng đi chung. Thảo Vy lo cho tôi mọi thứ từ trang phục diễn, đồ ăn nước uống, nhắc tôi ăn đúng giờ. Sau khi kết hôn và có con, cô ấy bận rộn không đi được nữa.
Thời gian đầu, tôi hơi hụt hẫng và thậm chí làm gì cũng quên. Có lúc mải làm việc, tôi còn quên ăn nhưng dần cũng quen. Tôi thông cảm cho bà xã nhiều hơn bởi từ một người quen đi đây đó, giờ cô ấy chỉ ở nhà chăm con. Điều đó dễ gây ảnh hưởng tới tâm lý phụ nữ. Hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng.
Mọi thứ trong nhà đều do Vy lo liệu. Việc chi tiêu của quán do vợ tôi quản lý, còn chi phí làm nghệ thuật được tôi quản lý riêng. Lâu lâu, chi tiêu bị lố thì xin vợ (Cười).
Mọi chi tiêu, ăn uống, cafe lặt vặt, tôi vẫn xin vợ tiền. Hai vợ chồng cũng thoải mái nên cô ấy để tôi tự rút tiền. Tuy nhiên, tôi không phải người tiêu xài nhiều tiền nên Vy không bao giờ phải lo lắng gì.
Bên cạnh nghệ thuật, Mạc Văn Khoa còn kinh doanh quán bún đậu khá ổn định
– Quen thuộc với hình ảnh hài hước, ở nhà, anh có phải ông bố hài hước?
Tôi chỉ nhây thôi (Cười lớn). Lạ là con gái tôi không theo bố. Ngày trước, tôi nghe mọi người nói con gái thường bám cha, nhưng con gái tôi lại chỉ bám mẹ. Có lẽ do bố đi làm nhiều, không có thời gian gần con nên vẫn có khoảng cách. Ở nhà, con có thể không cười với tôi nhưng chỉ cần đi xa và gọi điện về, con lại cười khanh khách. Mỗi lần tôi đi làm cả tuần mới về, con sẽ chạy tới ôm hôn rồi lại “bơ” bố luôn.
– Vậy anh có phải ông bố nghiêm khắc?
Vợ tôi rất cưng chiều con nên trong việc giáo dục con cái, cô ấy khá mềm mỏng. Tôi cứng rắn hơn. Chuyện gì cần thiết và cần dạy con, tôi sẽ nghiêm khắc.
Tuy nhiên, hai vợ chồng cũng không mâu thuẫn trong cách giáo dục con như nhiều gia đình khác. Có vấn đề gì, cả hai chỉ góp ý cho đối phương. Con gái may mắn cũng phát triển tốt nên hai vợ chồng không phải stress hay căng thẳng để cự cãi nhau.
Cảm ơn chia sẻ của Mạc Văn Khoa!
Mạc Văn Khoa: Tôi vẫn xin vợ tiền tiêu vặt