Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,28%, đạt 106,08 USD/thùng vào lúc 6h33 ngày 1/7 theo giờ Việt Nam. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 8 giảm 2,89%, còn 109,20 USD/thùng.
Sau khi gây bất ngờ cho thị trường bằng việc tăng giá bán dầu sang châu Á hồi tháng 7, gã khổng lồ ngành năng lượng Arab Saudi dự kiến sẽ tiếp tục nâng giá cho các lô hàng giao tháng 8 tới.
Theo đó, giá bán chính thức cho dầu Arab Light của Arab Saudi có thể tăng khoảng 2,4 USD/thùng so với tháng trước. Qua đó, giá loại dầu này trong tháng 8 có thể lên sát mức kỷ lục từng xác lập vào tháng 5.
Hồi tháng 7, Arab Saudi đã tăng giá dầu của thị trường châu Á lên mức cao hơn dự kiến. Cụ thể, giá bán chính thức đối với dầu Arab Light tăng 2,1 USD/thùng. So với báo giá của Oman/Dubai, mức giá của Arab Saudi cao hơn 6,5 USD/thùng.
Tập đoàn Saudi Aramco của Arab Saudi nhiều khả năng sẽ công bố giá bán chính thức sau cuộc họp của OPEC+ vào hôm nay (ngày 30/6). Ban lãnh đạo của Aramco thường không bình luận về giá bán dầu của Riyadh vì vấn đề chính sách.
Giá dầu thô tăng giảm trái chiều
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 1/7 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92 không cao hơn 31.302 đồng/lít
Xăng RON 95 không cao hơn 32.873 đồng/lít.
Dầu diesel không cao hơn 30.019 đồng/lít.
Dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít
Dầu mazut không cao hơn 20.735 đồng/kg.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 giảm khoảng 5 USD/thùng so với ngày 21/6 ở mức 148,5 USD/thùng đối với xăng RON 92; 155,7 USD/thùng với xăng RON 95.
Mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel giảm mạnh 11 USD/thùng, xuống còn 161,6 USD/thùng và 166,9 USD/thùng. Riêng dầu mazut chỉ hạ xuống 2 USD/tấn, còn 615,6 USD/tấn.
Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn.