Mới đây, một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này có thể đẩy giá nhiên liệu toàn cầu lên cao và tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát.
“Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất”, ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.
Trong tuần này, các báo cáo từ OPEC, IEA và EIA sẽ làm sáng tỏ hơn về bức tranh nguồn cung, trữ lượng hàng tồn kho cũng như khả năng tăng giá. Kết hợp với bối cảnh không chắc chắn của kinh tế toàn cầu và lộ trình tăng lãi suất dài hạn của Fed, các chuyên gia dự đoán rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD nhưng không vượt qua.
Giá dầu thô tăng giảm trái chiều
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 11/4 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
-Xăng E5 RON92 không cao hơn 22.866 đồng/lít
– Xăng RON 95 không cao hơn 23.908 đồng/lít
– Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.332 đồng/lít
– Dầu hỏa không cao hơn 20.585 đồng/lít
– Dầu mazút không cao hơn 15.279 đồng/kg.
Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 5/4 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng cao. Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch mức 104,3 USD/thùng, xăng RON92 là 101,89 USD/thùng, dầu diesel là 100,75 USD/thùng. Mức giá này cao hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/3 – 3/4 (xăng RON92 mức 93,822 USD/thùng, xăng RON95 mức 98,294 USD/thùng và dầu diesel là 96,891 USD/thùng).
Tại kỳ điều hành giá chiều nay 11/4, giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng khoảng 850 – 1.100 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 1.050 – 1.250 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 – 750 đồng/lít. Mức giá này chưa bao gồm việc trích quỹ bình ổn giá.